Tôi có một người chị họ năm nay đã gần 60, có vị trí khá cao trong xã hội. Chị có 2 cô con gái rất giỏi giang. Tốt nghiệp đại học, cả hai cô đều làm cho các công ty nước ngoài, lương tháng lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì mải mê theo đuổi sự nghiệp và chưa tìm được “một nửa” ưng ý nên đến nay đã xấp xỉ 30, hai cô đều vẫn “phòng không”.
Quan niệm khác biệt về học vấn cao với nữ giới khiến nhiều cô gái trẻ không muốn về quê thăm họ hàng. Ảnh minh họa
Cuộc sống của chị khá viên mãn khi hai cô con gái mặc dù rất bận rộn nhưng luôn quan tâm, dành thời gian ở bên và chiều chuộng, chăm sóc ba mẹ chu đáo. Mỗi khi gia đình có việc, chưa cần ba mẹ lên tiếng, các cô đã sắp xếp mọi việc êm xuôi. Mỗi khi ba mẹ muốn đi du lịch đâu đó, hai cô lại sẵn sàng bao trọn gói.
Vì làm việc trong môi trường có nhiều người nước ngoài nên việc xây dựng gia đình muộn một chút, hai cô con gái chị cho là chuyện bình thường. Bản thân chị cũng thường xuyên ra nước ngoài công tác nên chị cũng không đặt nặng vấn đề này. Cuộc sống gia đình chị cứ thế êm đềm trôi, trong nhà không thiếu tiếng cười. Chị cảm thấy thật sự hài lòng với cuộc sống của mình, với những gì mình đã cất công gây dựng, vun đắp, với hai cô con gái sớm thành đạt, hiếu thảo.
Thế nhưng, mỗi lần về quê chồng, đặc biệt là dịp Tết đến Xuân về, khi cả đại gia đình sum họp đông đủ, chị lại có cảm giác ngại khi nhận được những ánh mắt thương cảm của nhiều người, nhất là các bà, các cô, dì...
Xung quanh chị, có người mới chỉ 40 tuổi đã có cháu bế cháu bồng. Họ hớn hở khi dắt cháu đến nhận lì xì mừng tuổi. Họ hân hoan khi nhận được lời chúc chuẩn bị đón những thành viên mới sắp chào đời. Họ ái ngại khi vợ chồng chị mãi không được lên chức... ông bà. Thậm chí, chị còn cảm nhận rõ những tiếng thở dài sau lưng: “Giàu có mà không có người nối dõi thì để làm gì? Rõ khổ”...
Còn hai cô con gái của chị, mỗi lần đi đến đâu, gặp ai cũng nghe câu hỏi: “Cháu năm nay bao nhiêu tuổi rồi?", "Chồng con gì chưa?" hay “Con gái mà cứ mải mê sự nghiệp làm gì?”, “Lấy chồng đi thôi!”... Thậm chí, có bà còn mát mẻ: “Già kén thì kẹn hom”, “Tây, ta gì cũng được. Lấy đại đi cho bố mẹ mát mày mát mặt với họ hàng”...
Sự việc cứ lặp đi lặp lại khiến chị và hai cô con gái không còn hứng thú về quê nữa. Những chuyến về thăm quê, nhất là dịp đầu năm mới vì thế cũng thưa dần.
Tôi còn có một người bạn. Chị cũng có con gái đang du học nước ngoài. Mặc dù ở tuổi ngoài 20 như con chị, nhiều cô gái trong nước đã tấp tểnh lấy chồng nhưng chị không vì thế mà sốt ruột vì xung quanh chị, các bạn của chị hầu như người nào cũng có con đang du học hoặc tốt nghiệp đại học ở nước ngoài rồi ở lại làm việc. Vì muốn phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn, ai cũng nỗ lực học tập, tìm kiếm cơ hội cho sự nghiệp...
Bạn tôi là mẫu người truyền thống, chỉ muốn con du học, có kiến thức để về nước làm ăn, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, mỗi lần bạn và con gái về quê, cả hai cùng... “tắt điện”. Bởi lẽ, mỗi lần bước chân ra đường, gặp các cô, dì, chú, bác, họ hàng, người quen, họ đều có chung quan điểm: “Con gái học càng cao càng khó lấy chồng. Càng nhiều chữ, càng ít người dám với”. Thậm chí, có người còn so sánh: “Con ông A, bà B chẳng cần bằng nọ, cấp kia mà vẫn lấy được chồng giàu, chồng sang. Một bước lên xe, hai bước lên xe”.
Không chỉ dừng lại ở đó, một số gia đình ở quê có con vừa tốt nghiệp phổ thông lấy chồng nước ngoài theo diện môi giới hôn nhân, được con gửi tiền về đã sửa sang nhà cửa khang trang. Không cần biết con lấy tiền ở đâu, sống như thế nào, các bà hãnh diện lắm, đi đâu cũng khoe: “Không chỉ con gái có số hưởng mà bố mẹ cũng được nhờ”.
Biết rằng, có giải thích cũng chẳng mấy người muốn lắng nghe, hai mẹ con người bạn của tôi chỉ biết lắc đầu và nhanh chóng rời quê về thành phố.