Chồng tôi chưa từng gây ra chuyện động trời nào. Cũng dễ hiểu thôi, vì anh sĩ diện vô cùng. Hình ảnh anh khi bước ra xã hội lúc nào cũng phải chỉn chu thơm phức như vẻ ngoài anh đã cất công chăm sóc. Đâu ai biết, bí quyết để giữ được phong độ của người đàn ông ấy là... đổ hết việc nhà cho vợ. Xui xẻo thay, cô vợ phải làm tất cả ấy là tôi.
Vậy mà, thỉnh thoảng, tôi lại nghe chồng tôi “tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân gia đình” cho em gái/chị gái, thậm chí cháu gái 18 tuổi nào đấy, rằng em phải mạnh mẽ, tự chủ hơn thì mới giữ được hạnh phúc, đàn ông nói 10 thì chỉ làm 4, 5 thôi, em đừng dại tin mà sau này đau khổ... Anh nói rất hay, nhưng thật ra lại thiếu. Lẽ ra anh nên nêu ví dụ cụ thể để họ hình dung là đừng ngu như vợ anh vì đã lấy anh đây này.
Ảnh minh họa
Ngày trước, về nhà anh chơi, anh luôn tỏ vẻ cho tôi thấy rằng, anh rất quan tâm đến bố mẹ, kể tôi nghe về cách anh dành thời gian chăm sóc gia đình. Anh dành rửa chén, lau bàn... khiến tôi càng thêm thần tượng người mình yêu. Tôi nghĩ, mình có phước mấy đời mới gặp được người đàn ông như vậy.
Sau này, khi đã kết hôn, anh vẫn làm việc nhà, nhưng là chỉ khi có khách đến chơi. Ngoài ra, ông chồng vạn người mê của tôi không đụng đến nửa móng tay vào bất cứ việc gì trong nhà, ngoại trừ... tự vệ sinh cá nhân. Chúng tôi quen nhau từ thuở còn sinh viên. Anh cao ráo, đẹp trai, ăn nói khéo léo, lại nhiều tài lẻ, nên nổi như cồn trong trường. Tội nghiệp cho tôi, ngày ấy yêu và được hot boy yêu nên tôi tự hào đến quên cả mọi thứ, bất chấp nhiều thứ.
Ừ thì tôi cũng buồn buồn, ghen ghen khi thấy có nhiều cô cứ bu lấy người mình yêu, nhưng thật lòng mà nói là tự hào vẫn vượt trội trong suy nghĩ của tôi: người yêu mình hoàn hảo nên chúng nó mới yêu. (Ngày nay mà chúng nó đọc thấy bài tâm sự này của tôi, hẳn sẽ cười tôi nát mặt). Được cái, lúc ấy anh cũng chiều chuộng và cố gắng đối xử tốt với tôi, nên tôi cũng an lòng. Còn giờ thì tôi biết rằng sự chiều chuộng, ân cần ấy là vì bố tôi là thầy giáo của anh. Một người hoàn hảo như anh đâu muốn làm mất lòng ai, nhất là người quan trọng như bố tôi.
Hai đứa con - một lên tám, một lên ba - của chúng tôi thì hầu như hiếm khi nào gặp mặt bố trước 10g đêm. Việc làm ăn (hoặc đi làm rồi đi ăn) của anh thường kéo dài đến gần nửa đêm. Nhưng người ngoài nhìn vào sẽ thấy anh rất yêu thương con, trăm sự là nhờ… Facebook. Sáng mở mắt, thay quần áo đẹp để đi làm, anh ghé ngang bàn ăn, “chụp hình check-in” với con, rồi tận tình đăng Facebook.
Thi thoảng đưa vợ con đi chơi, anh cũng “chụp hình check-in” hàng loạt để đăng dần. Ai cũng tưởng anh dành nhiều thời gian cho mẹ con tôi, đâu biết sau khi chụp hình là anh vùi vào điện thoại chơi game cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ “gia đình hạnh phúc đi chơi”.
Trở lại việc không gây tai tiếng, nhưng không có nghĩa là anh không “thả thính diện rộng”. Ngoại hình, tác phong lẫn địa vị xã hội của anh quả là lợi thế, cộng thêm “hậu trường” anh vẽ ra: “Vợ anh đi làm việc bên ngoài cực nhọc quá khiến anh xót, anh chỉ muốn cô ấy ở nhà nghỉ ngơi, chơi với con... nhưng có lẽ vì vậy mà cô ấy buồn chán nên sau này hay gây gổ, vợ chồng không còn tâm sự được nhiều...”. Thế đó! Phía sau một người đàn ông quyến rũ là một người đàn bà lam lũ. Vậy mà rất nhiều em gái dính thính, tôn sùng và xem chồng tôi như thần tượng.
Đôi khi tôi nghĩ, chỉ cần anh tiến thêm một bước, các em gái ấy có thể rơi váy ngay, vì “anh ấy là người hoàn hảo, anh ấy cần người chia sẻ”; trong khi vợ con anh ngóng sự chia sẻ của anh đến dài cổ. Thương con, tôi không làm ầm ĩ những vụ lăng nhăng của chồng, nhưng là phụ nữ, mấy ai chịu nổi vết thương lòng cứ cứa đi cứa lại như vậy.
Khóc lóc, khuyên can, cãi vã, đề nghị ly hôn, tự tìm việc làm để bớt ở nhà với cảnh tôi mọi cho ông chồng hoàn hảo... tôi đã thử qua hết, nhưng đều thất bại. Một phần vì nghỉ làm quá lâu, tôi lại một thân một mình ở thành phố, một nách hai con, nên chưa thể quyết liệt rời bỏ người đàn ông ấy. Mỗi khi biết mình sai, anh lại ngọt nhạt với tôi, kéo hai con vào năn nỉ mẹ, khiến tôi xiêu lòng, khiến tôi cứ đau đáu mong chồng hồi tâm chuyển ý, cắn răng làm mọi việc cho gia đình. Nhìn thấy cái sai nhưng lại thỏa hiệp, nhắm mắt chịu đựng, phải chăng là một cái sai lớn hơn?