Ngày lấy chồng, em tự hào với bè bạn vì chọn được một “tấm chồng” nên thân. Anh là chuyên gia làm việc ở một tập đoàn có tiếng. Em ngoài 30, ai nấy đều đùa em, đấy, trâu chậm uống nước trong.
Hình minh họa.
Ngày em chuẩn bị sinh bé VoVa, buổi sáng tỉnh dậy vì bụng đau dữ dội. 10 phút cơn đau bụng lại quặn lên một lần. Em lo lắng hỏi anh có cần đi bệnh viện không, có khi sắp đẻ rồi. Anh nói, không cần, đấy chỉ là những cơn đau sinh lý chứ không phải đau đẻ. Mỗi khi anh bị đau đầu vận mạch cũng tầm 10 phát lại đau một lần. Đau đẻ còn hơn thế gấp vạn lần, phải là đau lăn lê lên bờ xuống ruộng cơ.
Em tin anh vì anh đã đi học lớp tiền sản, là người chịu đọc nhiều thông tin từ sách vở đến các trang mạng. Và vì trong cơn đau đến hoa mắt chóng mặt đấy, em chỉ nhìn thấy anh bên mình. Khi ấy anh cầm bình đi tưới hoa hồng. Mấy cây hồng mà em yêu thích.
Cho đến khi đau đến mức muốn đạp tung tường thì anh và em mới đưa nhau vào Từ Dũ. Bác sĩ nói, đã mở 5 phân rồi. Chỉ hơn một tiếng sau đó, bé VoVa ra đời. Hú hồn hú vía không đẻ rơi dọc đường. Hai vợ chồng đầy sách đầy chữ trong đầu có kỷ niệm nhớ đời vì đến những kiến thức phổ thông cũng không biết.
Em nhớ đời vì một lần lỡ đặt trọn niềm tin ở người khác hơn chính mình. Để biện minh cho sự vô tâm của mình, anh nói: Là vì ngày nào em cũng kêu đau, hết đau lưng đến đau đầu, thì anh cũng chỉ nghĩ em đau bụng sơ sơ vậy thôi chứ cả chục ngày nữa mới đến ngày bác sĩ dự sinh cơ mà.
Thời 16, 17, khi biết nghĩ về tình yêu, như mọi cô gái, em nghĩ về những “hoàng tử” học giỏi, đẹp trai. Ngoài ba mươi tuổi, trước quyết định lớn về đời mình, em chọn anh vì sự tin tưởng. Chỉ là thế, sự tin tưởng cho em nghĩ rằng mình có thể dựa vào vai anh khi mỏi mệt, khi vui, khi buồn…
Nhưng, ngẫm lại, không chỉ lần đi đẻ, em suýt ngã sấp mặt khi muốn dựa vào chồng.
Trước đó, em gái ở chung vợ chồng mình nuôi chó. Một chú chó thích tè ị lung tung và thường xuyên bốc mùi. Khi em khỏe mạnh không sao cả, khi bầu bì, ốm nghén thì chú chó ấy trở thành nỗi khiếp đảm.
Em kinh sợ mùi chó và những thứ nguy hiểm mà một con chó không thèm chích ngừa có thể đưa lại cho mình và thai nhi đến mức phải đặt cả mình và chó lên bàn cân với anh: “Nếu không thể mang chó đi chích ngừa và giữ gìn vệ sinh thì hoặc là em, hoặc là chó sẽ ra khỏi cái nhà này”.
Mối quan hệ em chồng và chị dâu rạn vỡ vì một con chó nhỏ. Thay vì bảo vệ vợ con, kết luận của anh: “Em cứ hay làm quá”. Và em chồng được nước lấn tới: “Đây là nhà của ba má, ai ở được thì ở, không ở được thì đi nơi khác”.
Lại lần, em và má chồng bất đồng quan điểm. Má thường xuyên vào ra phòng riêng hai vợ chồng như chốn không người, không thèm gõ cửa. Má ngồi ngay giường hai vợ chồng khi vợ chồng cần tranh luận riêng. Và vì thế, khi em nói với má rằng, con cần nói chuyện riêng với chồng, má có thể xuống phòng má được không? Má gắt gỏng đáp: “Nhà của má, má ngồi đâu là quyền của má”.
Hình minh họa |
Nhà là chốn đi về để nương dựa, để tìm sự bình an, chồng à. Chứ không phải để nghe ai đó thị uy rằng: Nhà của má/ Nhà của ba/ Nhà của tôi… Những câu nói như thế, với em, chẳng khác mấy một cú tát vào mặt. Những lúc em đối mặt với những cú tát như thế, anh đang làm gì? Anh đang tưới cây hoa hồng em yêu thích, anh chơi game, lướt face… Chắc chắn là những việc quen thuộc mỗi ngày như thế. Không hề có một động thái hay thậm chí chỉ là một lời nào để bảo vệ em.
Facebook em thường xuyên khoe hình hoa hồng anh chăm tưới với mọi người. Mọi người vẫn thường nói em - trâu chậm uống nước trong, khen hồng đẹp, em hạnh phúc. Nào có ai biết, em cần biết bao một bờ vai để dựa vào.