Ruột cá niên hấp trứng
Hồi nhỏ, tôi vẫn thường được nghe ba kể: để trốn giặc càn, ông nội dẫn cả nhà bỏ làng lên vùng núi Hiên Giằng (Quảng Nam) lập ấp sinh sống. Sau đó ba giác ngộ đi theo cách mạng. Những năm tháng ở trong rừng, lương thực thực phẩm cạn kiệt, ba thường đi bắt cá dưới suối, đặt bẫy thú rừng để cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Rồi từ đó món ruột cá niên hấp trứng ra đời. Nghe ba kể về vị ngon của nó mà thằng nhóc là tôi lúc ấy không cưỡng nổi cơn thèm. Nhưng mãi sau này, khi tham gia bộ môn trekking (du lịch mạo hiểm) và có những chuyến khám phá nơi rừng sâu hoang dã; tôi mới có cơ hội tự làm món cá kháng chiến, một món ăn mang đậm hương vị của đại ngàn.
Cá niên nướng
Cá niên có khá nhiều ở các con suối trong rừng sâu, tuy nhiên để có đủ lượng cá dùng cho món ăn cần biết cách giăng lưới đánh bắt chứ ngồi dùng cần mà câu thì rất lâu. Hiện nay cá niên được đánh bắt khá nhiều và các chợ ở vùng ven thỉnh thoảng có bán loại cá này.
Để làm được 1 chén ruột cá niên hấp trứng cần khoảng 1kg cá. Cá sau khi rửa sạch đất cát, mổ lấy cả bộ ruột. Ướp ruột cá với muối, bột nêm, tiêu xay, hành lá, ngò gai xắt nhỏ và một quả trứng vịt (món ruột cá niên đặc biệt chỉ hợp với trứng vịt, nếu ta làm trứng gà vị sẽ mất ngon). Dùng đũa, đánh hỗn hợp cho tan đều, sau đó hấp cách thủy tầm 20 phút là dùng được.
Ruột cá niên được ướp cùng gia vị
Cá niên là loài cá sống ở suối, chỉ ăn rong rêu, nên bộ ruột rất sạch và bổ dưỡng; nhiều tài liệu cho rằng ruột cá niên còn có tác dụng chữa bệnh.
Món cá kháng chiến của ba tôi có vị vừa ngọt béo của trứng vịt, vừa đăng đắng của ruột cá cộng với vị cay nồng của tiêu xay; quả không hổ danh là đặc sản của núi rừng.
Ruột cá niên hấp trứng là đặc sản của núi rừng