Hơn 10 năm qua, bà con ở khu vực xã Hòa Thạnh, Châu Thành, tỉnh Tây Ninh muốn đặt bánh lá thốt nốt để gửi làm quà cho bà con họ hàng lại tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Điệp, ở ấp Hòa Hiệp.
9h sáng, sau khi hoàn tất chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa xong, chị Điệp mang bao lá thốt nốt vừa cắt được hôm trước ra sân phơi nắng. Dưới cái nắng ấm của những ngày cuối năm, những tàu lá thốt nốt non đã dịu lại. Chị Điệp gom vào nhà, cắt ra thành từng cọng lá nhỏ.
Chị Điệp cho biết cực nhất là khâu đi chặt lá về gói bánh. Chị Điệp kể, chuyện đi chặt lá này, đàn ông làm đã cực rồi chứ đừng nói là phụ nữ. Nhưng nhiều khi chồng phải đi làm mướn, chị Điệp cũng lặn lội đường ruộng, tìm vô những phum, sóc phía Campuchia rồi leo lên những cây thốt nốt cao 3-4m để chặt lá mang về. “Lúc trước ở Việt Nam mình còn cây nhỏ, còn chặt được. Nhưng mấy năm sau này, cây thốt nốt con có giá, người ta bán hết, chỉ còn lại những cây già, cao lắm mình không leo được. Lúc nào người ta làm lúa xong còn băng ruộng đi, chứ khi lúa còn trên đồng phải men theo bờ ruộng đi, cực lắm. Rồi cây thốt nốt gai không à, hái cực lắm, bị ong chích hoài”.
Ngày nào cũng vậy, khoảng 12h trưa, sau khi cơm nước xong, chị Điệp bắt đầu làm bánh. Vừa vo hơn 10kg nếp để ráo sang một bên, chị Điệp quay sang lựa những trái thốt nốt chín, lột bỏ vỏ, tách thành từng múi nhỏ. Chị Điệp cho biết, kiếm mua thốt nốt cũng là việc khó. Những tháng 7-8 âm lịch là mùa thốt nốt chín, rụng nhiều nên còn dễ. Nhưng bước sang tháng 2-3 âm lịch, kiếm thốt nốt cũng “đỏ con mắt”. “Nhưng bánh mùa nào cũng bán với giá 2000đ/cái thôi, không bán cao hơn được” – chị Điệp cho biết.
Làm bánh lá thốt nốt đòi hỏi không chỉ sự khéo léo mà còn phải có sức dẻo dai. Với một chiếc rổ dày, chị Điệp dùng tay mài mạnh từng múi thốt nốt xuống rổ để phần cơm thốt nốt rơi qua kẽ, lần lượt từng múi một. Do phải dùng sức để mài nên bên vai phải của chị mỏi nhừ. Nhưng không có cách nào khác. Thậm chí, ngay cả dừa khô, chị cũng không mua lại ở chợ mà đến từng nhà tìm và tự móc xuống. Lý do đơn giản là: “Mua dừa ngoài chợ sợ dừa để lâu, không ngon. Mình tự móc có hơi cực nhưng mà cái chính là để bánh ngon”.
Cứ trung bình 1 kg nếp sẽ cần 1 trái thốt nốt, 700g đường và 1 trái dừa khô. Tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị xong, chị Điệp trộn đều vào nếp. Thau nếp màu trắng sữa giờ đã màu vàng tươi, thơm mùi thốt nốt chín. Thoăn thoắt đôi tay, Quỳnh Như – con gái chị Điệp, lau lá thốt nốt rồi cuốn lại thành hình chữ nhật, cho nếp vào. Chớp mắt, chiếc bánh lá thốt nốt lớn hơn 3 ngón tay đã được cột chặt.
Mẹ con bà Điệp mất khoảng 3 giờ đồng hồ để gói 10kg nếp
Chị Điệp cho biết, mỗi ngày trung bình chị làm khoảng 700 chiếc bánh, kiếm được từ 250.000 – 300.000 đồng. Nhiều khi làm cực quá, phải lặn lội đường xa tìm kiếm lá, kiếm thốt nốt, chị cũng tính bỏ nghề nhưng vẫn không bỏ được. Hễ có người gọi điện hay tới nhà đặt bánh là như rằng chị lại làm bánh. “Người ta không đặt thì thôi, hễ có người ta điện tới đặt là nôn lắm, như bữa nay nói nghỉ nhưng người ta điện tới đặt là phải làm” - chị Điệp vui vẻ kể.
Bánh lá thốt nốt sau khi nấu chín có màu vàng tươi của thốt nốt, xen với chút trắng sữa của cơm dừa và mùi thơm của nếp, của lá quyện vào nhau rất đặc trưng. Vị ngọt thanh thanh, béo béo của chiếc bánh đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều người đi xa quê. Vì vậy mà nhiều người đã đi nước ngoài định cư nhưng cứ có người sang thăm là nhờ đến nhà chị Điệp đặt vài trăm bánh thốt nốt mang sang.