Dưới đây là 7 điều gợi ý dành cho các bậc cha mẹ dùng hướng dẫn cho trẻ mỗi khi ngồi ăn chung bàn ở chốn đông người.
1. Biết dùng lời mời trước bữa ăn
Thói quen này dường như là điều đầu tiên bạn cần dạy cho trẻ, bắt đầu từ những bữa cơm trong gia đình, dạy trẻ mỗi khi dùng bữa cần có lời mời với người lớn trong gia đình như mời ông bà, bố mẹ, anh chị,… Dần dần đây sẽ là một trong những phản ứng đầu tiên của trẻ vào mỗi bữa ăn, dù với người thân hay người ngoài.
2. Cách cầm thìa, đũa sao cho đúng cách
Với thói quen sinh hoạt của người Việt Nam thì việc sử dụng thìa, đũa trong bữa ăn hằng ngày rất quen thuộc với mỗi người. Việc chỉ trẻ cách sử dụng thìa và đũa sao cho đúng cách, không làm rơi thức ăn và không làm ảnh hưởng tới việc ăn uống của trẻ hay những người xung quanh là điều mà bố mẹ cần lưu ý. Việc này không hề làm mất thời gian của bạn.
Với người Việt Nam việc sử dụng thìa, đũa trong bữa ăn hằng ngày là rất quen thuộc
3. Không mở miệng hoặc phát ra tiếng động khi nhai thức ăn
Việc mở miệng khi nhai thức ăn hay việc khiến người xung quanh nghe thấy những tiếng "nhóp nhép" trong lúc ăn phát ra từ bé sẽ gây khó chịu và đó cũng là hành động không lịch sự chút nào. Vì vậy bố mẹ nên lưu ý cho trẻ về việc này nhé, đây là một phép lịch sự vô cùng cơ bản dành cho trẻ về sau này luôn đấy.
4. Không cắt ngang lời người lớn khi đang dùng bữa
Sẽ rất là khiếm nhã khi chen ngang vào lời người khác khi người đó đang nói dở về một vấn đề nào đó. Vì vậy, nếu không có gì quá khẩn cấp, bố mẹ nên dạy cho trẻ việc lắng nghe hết câu chuyện của người lớn rồi mới có ý kiến, hoặc là ra hiệu trước khi nêu ra ý kiến, tránh trường hợp trẻ nói lớn hoặc có hành động ngụ ý lôi kéo sự chú ý của người lớn vào mình.
5. Biết nhờ người khác lấy đồ ăn dùm
Thay vì rướn mình lên để lấy món đồ ăn muốn ăn mà ở xa tầm với thì bạn hãy dạy bé cách nhờ người gần đó lấy dùm mình để tránh gây ảnh hưởng tới việc dùng bữa của mọi người xung quanh, như vậy sẽ gây ra hành động mất lịch sự và có thể gây rơi vãi đồ ăn ra xung quanh làm mất vệ sinh và gây cảm giác khó chịu cho mọi người đó.
6. Biết sử dụng lời "cảm ơn", "xin lỗi" và không chê đồ ăn
Trẻ nên được học cách nói "Cảm ơn" khi được người lớn gắp đồ ăn hoặc giúp đỡ một việc gì đó, biết nói "Xin lỗi" khi mắc lỗi trên bàn ăn. Bên cạnh đó là việc dạy trẻ biết trân trọng và biết ơn những món ăn mà người nấu đã cất công chuẩn bị, vì vậy trẻ cần biết nói "cảm ơn" và đón nhận món ăn một cách vui vẻ.
Dạy trẻ biết xếp lại chén đĩa hay ly uống nước, dọn dẹp sau khi dùng bữa xong |
7. Dọn dẹp bàn ăn sau khi dùng bữa xong |
Việc dọn dẹp sau khi dùng bữa xong sẽ rèn cho trẻ việc biết sắp xếp và dọn dẹp, việc này đơn giản chỉ bằng cách hướng dẫn trẻ xếp lại chén đĩa hay ly uống nước. Điều này sẽ dạy cho trẻ tính cẩn thận và gọn gàng từ nhỏ. Sẽ hữu ích lắm đó, bạn hãy thử đi nhé!
Việc dạy trẻ chưa bao giờ là chuyện đơn giản, kể cả việc dạy trẻ những thói quen tốt trên bàn ăn chỗ đông người. Tuy nhiên, bố mẹ cũng đừng quá cứng nhắc hoặc nghiêm khắc với trẻ. Từ từ mỗi ngày một chút bạn sẽ thấy hiệu quả sau đó và lâu dài. Hi vọng những điều gợi ý ở trên sẽ góp phần nào giúp trẻ rèn luyện một đức tính tốt