Chiều chạy xe ngang qua cánh đồng làng bên thấy mấy đứa nhỏ đang giăng lưới thả câu dưới những ô ruộng ngập trũng nước, thỉnh thoảng lại cười reo thích thú khi có con cá nào sa bẫy mà lòng chợt thấy nôn nao. Khoảnh khắc này nhiều năm về trước tôi cũng từng trải qua.
Tính dừng xe để hỏi mua ít cá diếc về làm món cá om dưa, thế nhưng kế hoạch này chợt thay đổi khi tôi thấy bên trong chiếc vợt chỉ toàn cá phi và đam (người Quảng Trị quê tôi gọi cua đồng là đam).
Rau tập tàng không chỉ dễ nấu lại còn là những cây thuốc dân gian
Nhớ lại ngày xưa, cứ vào độ tháng 8 âm lịch đến gần tháng Chạp, khi mùa đam về, tôi cùng mấy đứa bạn quanh xóm cột chiếc oi tre bên hông. Tranh thủ lúc bầy trâu đang gặm cỏ, chúng tôi đi khắp các bờ ruộng lúa mới được gặt xong để tìm hang đam.
Muốn bắt được đam, chúng tôi phải lùng tìm những hang sâu, bên ngoài cửa vẫn còn lớp mún bùn mới và màu nước bên trong thì vấy đục. Sau khi phát hiện được hang đủ tiêu chuẩn như trên, chúng tôi đều cố gắng thọc tay vào tận đáy hang để bắt. Công đoạn bắt và đưa đam vào oi rất vất vả. Đa phần bàn tay đứa nào cũng bị đam kẹp cho rướm máu.
Đam mới bắt còn sống bò lúc nhúc trong thau nhôm
Thỉnh thoảng đứa nào bắt được con đam to, càng lớn thì reo lên để khoe chiến tích với cả lũ. Cũng có lúc chúng tôi tìm thấy hang như vậy nhưng khi lôi ra lại là một con rắn nước khiến mọi người hoảng hồn bỏ chạy. Những bờ ruộng nối nhau dài ngoằng chẳng chiều nào thiếu bước chân và tiếng cười đùa của chúng tôi.
Đam đã được làm sạch
Khi trời dần chuyển tối, cả lũ mới quay trở lại tìm lùa trâu về. Mặc dù mặt mày và chân tay đứa nào cũng lấm lem bùn đất nhưng đổi lại chiếc oi tre trống rỗng đã được lấp đầy bằng mớ đam đồng tươi rói đang bò lúc nhúc.
Vừa dắt trâu chúng tôi vừa lên danh sách các món ăn sẽ được chế biến từ số đam này. Nào đam rim, đam nướng, đam luộc, đam rang muối, chả đam chiên, lẩu đam... bao nhiêu món ăn quen thuộc đã gắn bó trong mân cơm của mỗi gia đình ở quê tôi mỗi mùa đam về.
Gạch đam được khều để riêng ra bát
Mặc dù còn rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ loài vật này nhưng với gia đình tôi mạ vẫn hay làm món canh đam nấu rau tập tàng. Bởi lẽ món này dễ ăn với cơm trắng, lại không tốn tiền mua thêm nguyên liệu đi kèm vì quanh vườn nhà tôi lúc nào cũng sẵn rau tập tàng. Hơn nữa mùa này rau nhiều loại, lại xanh tươi, nấu canh rất thanh ngọt.
Ngay sáng hôm sau mạ cắp rá ra vườn ngắt những chiếc đọt và lá rau còn tươi non như mồng tơi, rau ngót, rau má, rau dền, rau khoai, mã đề, tần ô... mỗi thứ một ít rồi trộn lẫn vào nhau, rửa sạch, để ráo nước.
Phần thịt đam được dẹt nhỏ và xào qua trước khi nấu canh
Từ số đam tôi bắt được, mạ chọn những con còn khỏe, chắc thịt, nhiều gạch để nấu canh cho ngon. Sau đó ngâm với nước muối pha loãng cho đam nhả bớt bùn. Đến khi gỡ lớp mai thì rửa tiếp nước cho sạch. Phần gạch đam được khều để riêng ra bát, phần thịt ở thân và càng thì dẹt nhỏ, những phần còn lại mạ cho vào chiếc cối gang giã nhuyễn rồi gạn lọc lấy nước nấu canh.
Thông thường thịt và gạch mạ thường xào qua cho thấm. Sau đó cho vào phần nước vừa gạn lọc đang được đun sôi và trút rau vào. Lúc này mạ không quên cho thêm thìa ruốc nhồi để tăng vị đậm đà cho món canh, rồi nêm các gia vị cho vừa miệng, đến khi nước sôi lại thì tắt bếp.
Canh đam vừa thanh mát lại bổ dưỡng
Canh đam nấu rau tập tàng tuy đơn giản, dân dã nhưng lại khiến các thành viên trong gia đình tôi mê tít bởi ăn với cơm trắng thì bao mệt nhọc đều tan biến hết.
Món ăn này không chỉ ngon, thanh mát lại rất bổ dưỡng vì trong thịt đam có chứa nhiều canxi cũng như các vitamin và khoáng chất. Còn các loại rau này đa phần là những cây thuốc dân gian tốt cho sức khỏe. Có lẽ cũng nhờ ăn món canh đam nấu rau tập tàng của mạ nhiều mà mấy đứa tôi cơ thể rắn rỏi hẳn.
Cũng đã lâu rồi tôi không được thưởng thức món canh này. Hôm nay gặp được mớ đam tươi ngon như thế tôi phải tranh thủ mua về để mạ nấu món ăn này lại đã. Chỉ mới nghĩ vậy thôi mà sao đã thấy cồn cào cả bụng.