Khu vực các gành đá gần bờ vùng biển Quảng Ngãi là nơi ngư dân hành nghề lặn săn nhum biển
Nghề săn nhum cũng chính là “cần câu cơm” của người dân nơi đây. Nhum với ưu điểm bổ dưỡng cao và ngon miệng đã trở thành đặc sản được du khách ưa thích.
Dưới cái nắng gay gắt, làn nước ở vùng biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) trở nên trong vắt đến lạ thường. Ngư dân Nguyễn Văn Tỵ chia sẻ, dụng cụ để "săn" nhum biển khá đơn giản, gồm: 1 đoạn sắt to cỡ nửa ngón tay út, dài từ 0,4-0,6m với một đầu được bẻ cong như lưỡi câu và đầu kia cắm vào cán gỗ, giỏ đựng buộc xốp xung quanh cho nổi trên mặt nước và kính lặn là có thể hành nghề. Sau khi bơi, lặn dọc theo các gành đá phát hiện thấy nhum biển, ngư dân chỉ cần dùng móc sắt móc vào và đưa lên bỏ vào giỏ đựng.
"Nghề lặn nhum dù ít nguy hiểm hơn các nghề biển khác nhưng vất vả, cả ngày dầm dưới nước, ăn nghỉ đều ở trên biển. Làm giàu thì khó nhưng bù lại, nó cũng giúp ngư dân có thêm thu nhập để lo cho gia đình...", ngư dân Tỵ thổ lộ.
Thời gian săn bắt chính vụ hàng năm ở đây thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8. Với thâm niên hơn chục năm trong nghề "săn" nhum, ngư dân Thái Văn Cường ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, cho biết những năm trước việc đi bắt nhum của người dân trong vùng chủ yếu là mang về chế biến để cải thiện cho bữa ăn của gia đình, nhưng gần đây khi thắng cảnh Gành Yến, xã Bình Hải thu hút khách du lịch tham quan, nhum với ưu điểm bổ dưỡng cao và ngon miệng đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. Vì vậy người tham gia bắt ngày một đông dẫn đến lượng nhum đã giảm đi đáng kể.
Để thu được khoảng 5 tạ nhum một ngày, tương đương 20 - 25kg thịt nhum, trung bình 3 anh em trên thúng ngư dân Cường mỗi người phải lặn mất 6 tiếng. Mỗi ngày, thúng vào bờ 2 đợt để cho nhóm phụ nữ chặt, xử lý, lấy thịt nhum. Mỗi ký thịt nhum bán ra khoảng 200.000 - 250.000 đồng, mang lại khoản thu nhập kha khá cho các thành viên.
Nhum vừa được khai thác
Như được thiên nhiên ưu đãi, từ bao năm qua, khu vực các gành đá ven bờ biển xã Bình Hải, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ) trở thành nơi cư ngụ, sinh sôi của loài nhum. "Lộc biển" này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà một số người ở vùng khác cũng tìm đến khai thác.
Ngoài các cách chế biến thông thường là ăn sống, nướng và nấu cháo, người dân ven biển xã Phổ Châu còn chế biến thành mắm nhum - một đặc sản nức tiếng gần xa. Thịt nhum sau khi làm sạch được cho vào bát, cứ 1kg thịt nhum sẽ cho 100gram muối hột vào trộn đều, sau đó bỏ hỗn hợp vào chai. Sau 7 ngày có thể thưởng thức thành phẩm mắm nhum. Mắm nhum ở xã Phổ Châu có màu đỏ nhạt, đặc sệt, vị đậm đà. Bởi vậy, từ bao đời nay, mắm nhum nơi này luôn hấp dẫn thực khách tứ phương.
Cách chế biến nhum thông thường là ăn sống, nướng và nấu cháo, người dân ven biển xã Phổ Châu còn chế biến thành mắm nhum - một đặc sản nức tiếng gần xa
Vì sao được xem là 'thần dược' của quý ông?
Theo đông y, nhum biển chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực cho phái mạnh, dùng cho những người thể trạng yếu giúp tăng miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể. Theo nghiên cứu của khoa học hiện đại thì trong nhum có chứa nhiều protein, vitamin, đặc biệt là hàm lượng kẽm cao - là "tác nhân" giúp phái mạnh được cường tráng trong việc phòng the.
Các món ngon từ nhum như:
Nhum nướng mỡ hành: Được rất nhiều người yêu thích bởi sự thơm ngon, béo béo bùi bùi rất hấp dẫn chấm một chút muối tiêu chanh quả là món ăn tuyệt vời.
Nhum tái chanh: Đây là món ăn nhanh gọn lẹ được nhiều người đi biển ưu thích, chỉ cần làm sạch nhum lấy thịt bỏ vào chén cho thêm ít chanh, mù tạt có thể cho thêm ít cải bẹ xanh là có thể thưởng thức.
Ngoài ra còn một số món ăn khác từ nhum như: nhum biển chưng trứng, cháo nhum biển, nhum xào rau củ,… cũng được nhiều người thích ăn.