Trong tiếng Quảng Đông, súp rắn có tên là "se gang". Một bát súp rắn có chứa tới 5 loại thịt rắn khác nhau, gồm rắn hổ mang Trung Quốc, rắn cạp nia, rắn ráo, rắn sọc dưa và rắn lục mũi hếch. 2 loài đầu tiên có độc còn 3 loài còn lại không có. Ảnh: Time Out.
Người Quảng Đông có một câu nói: "Khi gió thu nổi lên, 3 con rắn béo múp". Câu này ý chỉ 3 con rắn đầu tiên trong danh sách ăn rất nhiều trước khi ngủ đông. Do đó, chúng giàu dinh dưỡng nhất vào giai đoạn này. Cũng vì thế, món súp rắn rất phổ biến vào mùa thu, đông. Ảnh: Time Out.
Súp rắn được chuộng ở vùng Đông Nam của Trung Quốc. Người dân ở đây sống gần biển. Gió biển khiến họ thường bị đau nửa đầu, viêm khớp. Súp rắn hay những món ăn từ rắn khác giúp bồi bổ cơ thể, ngừa cảm cúm và kéo dài tuổi thọ. Súp rắn luôn được xem là một trong những món đặc biệt nhất. Nó đã xuất hiện và được lưu truyền hàng thế kỷ. Ảnh: Goldthread.
Nơi có món súp rắn ngon nhất là Hong Kong (Trung Quốc). Các nhà hàng kinh doanh thịt rắn ở đây được gọi là "se wong" (tạm dịch: vua rắn). Một số món khác cũng được yêu thích là da rắn hầm, thịt rắn chiên, súp mật rắn tươi... Ảnh: Wilderness Life.
Về súp rắn, món này ngon nhất khi được làm tại chỗ. Tức là, khi khách yêu cầu, người chủ mới làm thịt rắn để bát súp luôn tươi, ngon. Thông thường, các nhà hàng sẽ giữ chúng trong hộp gỗ vì đây là môi trường khô ráo, lý tưởng nhất. Một điều lưu ý là không được đặt rắn hổ mang Trung Quốc chung với những con khác. Rắn hổ mang Trung Quốc được xem như vua và nó sẽ ăn các con khác. Ảnh: Zolima.
Chính phủ khuyến nghị các cơ sở kinh doanh nên cho con rắn ngủ trước khi chặt đầu. Đây là một hành động nhân đạo. Sau đó, đầu bếp sẽ gỡ xương của nó ra. Rắn có từ 200 đến 400 đốt sống với nhiều xương sườn. Sau khi bỏ xương, người ta xé thịt thành từng miếng mỏng. Bên cạnh thịt rắn, món súp phải có thêm nấm đông cô, thịt gà và măng (đôi khi có thêm bong bóng cá). Ảnh: Bloomberg.
Không chỉ thịt, mọi phần của con rắn đều được sử dụng để tránh lãng phí. Theo những đầu bếp Trung Quốc, mọi bộ phận của rắn đều bổ dưỡng. Phần tốt nhất là túi mật - thứ được dùng để làm rượu. Vào trước những năm 1980, thịt rắn là thứ xa xỉ không phải ai cũng có thể ăn. Thời điểm này, các thầy kinh kịch Quảng Đông thường ăn mật rắn trước buổi diễn để tăng cường năng lượng, cải thiện giọng nói. Ảnh: No Joe.
Món súp rắn truyền thống được làm từ hỗn hợp 2 loại súp. Đầu tiên là loại nước dùng cơ bản làm từ giăm bông, thịt gà, ninh trong 6 giờ. Loại súp còn lại gồm xương rắn, vỏ quýt phơi khô, cùi nhãn, chà là, mía, gừng - nấu trong 4 giờ. Cuối cùng, họ thêm đậu phụ lên men và lá chanh khô để tăng độ giòn, loại bỏ mùi tanh của rắn. Ảnh: Vice.
Hiện nay, công thức này được xem là quá cầu kỳ. Một số nhà hàng cao cấp vẫn làm theo công thức này. Nhiều nhà hàng khác lại đơn giản hóa công thức bằng cách nấu chung thịt lợn và xương rắn trong một giờ. Doanh số bán hàng súp rắn trong mùa đông rất cao. Một số nhà hàng có thể bán tới 700-1.000 bát/ngày. Ảnh: Yum Cook.
Những món ăn từ rắn chế biến theo kiểu Miền Tây - Bạn dám thử?
Miền Tây nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã, nguyên liệu gắn liền với vườn cây sông nước, trong đó có món ăn từ rắn đã thu hút được sự tò mò của khách tham quan du lịch. Vậy rắn có thể chế biến được những món gì? Cùng tìm hiểu nhé!
Rắn nước miền Tây
Rắn xào sả ớt
Miền Tây có nhiều kênh rạch, ao hồ, đây cũng là nơi trú ngụ của loài rắn nước, mồi của rắn nước là cá, chuột và chúng không có nọc độc. Rắn nước hoạt động suốt ngày đêm nên bắt chúng không phải khó, những người nông dân sẽ bắt chúng rất dễ dàng.
Rắn được mổ bụng và làm sạch
Rắn nước rất dễ làm chỉ cần nắm lá dừa khô hơ qua mình rắn, lấy lá sả quấn tay và tuốt là sạch sẽ. Món rắn phần lòng rất ngon và sạch, chỉ cần rạch rồi làm sạch phần bao tử là xong. Để làm món rắn sả ớt, thịt rắn sau khi làm sạch thì cắt thành từng khúc nhỏ vừa ăn, đừng cắt nhỏ quá thịt rắn sẽ bị nát.
Ướp thịt rắn với nước mắm, bột ngọt, một chút tiêu xay. Sả ớt bằm nhuyễn. Bắt chảo lên bếp phi thơm hành tỏi cho rắn vào xào khi thịt rắn săn lại cho vào nước dừa tươi để tăng vị ngọt và thơm cho món ăn. Khi nước dừa gần cạn cho phần sả, ớt băm nhuyễn vào xào qua lại, nêm cho vừa ăn rồi canh cho đến khi sả chuyển sang màu vàng thì bắt xuống.
Thịt rắn ngọt, cắn vào một miếng vị sả ớt thơm nồng lên mũi, món này ăn với cơm nóng chấm rau luộc thì hao cơm lắm đấy. Người Miền Tây dùng món rắn xào sả ớt làm mồi nhậu cùng với dâm ba xị đế thì hàn thuyên đến tối.
Món rắn xào sả ớt
Rắn cuốn lá lốt nướng
Món rắn cuốn lá lốt nướng rất được nhiều người ưa chuộng có thể làm từ nhiều loại rắn như: rắn nước, rắn ráo, rắn mối,… Đối với món này rắn sau khi làm sạch thì lốc xương lấy thịt, đối với món này không lấy ruột và da chỉ sử dụng thịt. Thịt rắn đem băm nhỏ với ngò gai, nhiều người thích vị thơm của sả nên cho thêm sả băm vài giống như ướp bò lá lốt vậy.
Bằm thịt rắn nhuyễn để cuốn với lá lốt
Lá lốt hái về rửa kỹ từng lá cho sạch, chọn những lá to xanh đậm nướng sẽ không bị cháy quá nhanh. Băm thịt nhuyễn nêm nếm ít muối, bột ngọt, tiêu cho vừa ăn thì cuốn lại bên trong lá lốt. Món rắn cuốn lá lốt có thể đem chiên hoặc nướng nhưng món người Miền Tây hay làm là nướng, vị thơm của rắn kết hợp với vị khói sẽ cho ra món ăn vô cùng hấp dẫn.
Món rắn nướng lá lốt thơm ngon
Cháo rắn đậu xanh
Một trong những món ăn được cho là bổ dưỡng nhất được chế biến từ rắn là món cháo rắn đậu xanh.
Ngon nhất để nấu cháo là loại rắn hổ hành, vì thế khi chế biến để làm mất đi mùi hành của rắn cần dùng chanh tươi chà sát vào thịt rắn. Sau khi làm sạch cắt ra thành từng khúc vừa ăn. Cháo muốn ngon thì gạo phải được rang cho dậy mùi thơm và có màu vàng đều. Bắt nồi cháo gạo rang lên đến khi sôi cho thịt rắn cắt khúc và đậu xanh vỏ vào nấu cho đến khi gạo nở đều nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi bắt xuống.
Cháo rắn nấu đậu xanh có vỏ
Một cách nấu khác dành cho những người thích ăn béo là nấu cháo đậu xanh nước cốt dừa, phần thịt rắn cắt khúc thì đem xào trước chờ cháo vừa nhừ thì bỏ vào đun bằng lửa to cho đến khi sôi vài phút thì bắt xuống. Cháo nấu xong cho thêm hành, ngò rí, tiêu sọ đâm nhuyễn vào dể dậy mùi thơm và làm tăng hương vị món ăn. Vị ngọt của rắn, vị béo của nước cốt dừa hòa quyện trong vị thơm của hành, ngò cứ nếm thử một miếng là không thể quên được hương vị đồng quê này.
Cháo rắn nấu đậu xanh có thêm nước cốt dừa
Rắn nướng muối ớt
Đây được xem là món ăn dễ chế biến và có thể làm ngay tại đồng của những bác nông dân, cũng là món mồi nhậu quen thuộc nơi đồng quê. Cách làm món ăn này đơn giản, có thể ướp muối ớt trước hoặc trong khi nướng thì quét muối ớt lên.
Người Miền Tây với khẩu vị mặn nên hay ướp muối ớt vào rắn rồi đem nướng. Món rắn nướng còn là món ăn kinh dị nhất từ rắn vì có nhiều người chỉ cắt đầu và nướng nguyên con. Cách nương này giúp giữ lại độ ngọt của rắn hòa thêm vị mặn mặn và cay của ớt tạo nên hương vị thơm ngon, đặc biệt khi có kèm theo vài ly rượu đế.
Món rắn nướng muối ớt "hấp dẫn"
Với nhiều người không quen món ăn từ rắn như một món ăn thử độ can đảm, nhưng với người Miền Tây món ăn từ rắn rất bổ dưỡng. Ngày nay, rắn được xem là một món ăn đặc trưng của hương vị đồng quê. Nếu có dịp về Miền Tây hãy thử những món ăn từ rắn để cảm nhận được hương vị của nó nhé, bảo đảm bạn không thất vọng.