Nếu như người miền Bắc hay muối dưa để ăn kèm trong các bữa ăn tùy theo mùa như dưa cải, dưa bắp cải ăn xổi… thì với người dân xứ Nghệ, món nhút Thanh Chương cũng có thể coi là loại dưa ăn kèm quen thuộc ở đây.
Nhút hay nhút mít được làm từ những trái mít non một năm chỉ có một lần ở Thanh Chương, nơi nổi tiếng với giống mít ngon. Những quả mít non được hái từ trên cây xuống, qua bàn tay chế biến của người Thanh Chương, trở thành món ăn kèm được dùng quanh năm trong các gia đình.
Trái mít non được hái từ trên cây xuống làm món nhút nổi tiếng ở Thanh Chương, Nghệ An
Đầu tiên, người ta cắt bỏ đi lớp vỏ mít gai sần, lau sạch đi lớp nhựa mít vừa mới tiết ra, rồi dùng dao băm liên tục lên quả mít, thái thịt mít thành những sợi nhỏ dài. Sau cùng mới trộn phần thịt mít non này với một lượng muối trắng vừa đủ sao cho không bị mặn cũng không bị nhạt. Mít sau khi trộn muối sẽ được cho vào chum vại, thêm nước, lèn chặt và đậy kín như cách muối dưa cà, 5-6 ngày sau là có thể dùng được.
Thế nhưng mỗi năm chỉ có một mùa mít nên người Thanh Chương thường làm nhút một lần ăn cả năm. Đơn giản thì dùng nhút và nước mắm để chấm hay nhút chấm mắm tỏi ăn kèm rau kinh giới đã ngon lắm rồi. Và cũng tùy mùa, khi kết hợp nhút với thực phẩm khác tạo nên nhiều món ngon dân dã quen thuộc nhưng ăn không biết chán của người xứ Nghệ. Du khách khi đến nơi đây ăn một lần là nhớ như món nhút làm nộm tai heo, nhút nấu canh cá vào mùa hè hay món nhút xào thịt bò, nhút xào ba chỉ nêm thêm ớt, đường vào mùa đông…
Nhút làm nộm rau một món ăn quen thuộc của người xứ Nghệ.
Mùa nào thức nấy, thế nhưng món nhút được làm một lần ăn quanh năm là thức ăn kèm không thể thiếu ở xứ Nghệ. Du khách ghé xứ này không ít người chọn nhút làm quà cho người thân và bạn bè. Chỉ có điều, vì nhút muối 1 lần để cả năm, nên khi nhút "cuối lọ" dễ khiến món ăn bị nhớt, bởi vậy, du khách lưu ý mua nhút "đúng mùa". Còn với người dân địa phương đi làm xa nhà, mỗi lần về quê đều có thêm hộp nhút mang theo để ăn kèm hàng ngày, để đỡ nhớ nhà qua món nhút dân dã mang hương vị quê hương.