Tôi đang nấu cơm trưa thì chồng gọi thông báo: "Trưa anh về muộn nhé! Có ai đến thì nói anh đi công tác chưa về". Tôi chưa kịp nói gì, chồng đã cúp máy. Tôi bán tín bán nghi không hiểu chuyện gì, vì mới hồi sáng anh còn dặn tôi nấu món cá kho cho bữa trưa. Đúng lúc đó, có tiếng chuông cửa.
Tôi ra mở cổng, thấy cha con chú Tư mồ hôi nhễ nhại đứng giữa nắng. Thấy tôi, chú hỏi ngay: "Hải có nhà không cháu?". Nhớ lời chồng dặn, tôi đành nói như anh muốn và hỏi: "Có việc gì không ạ, chú và em vào nhà chơi đã".
Hai cha con chú Tư tay xách nách mang đủ thứ quà quê từ mấy nải chuối, con gà, rau củ quả đến con cá chép to lên biếu làm tôi ngạc nhiên, không biết có chuyện gì. Ngồi nói chuyện một lúc, tôi mới vỡ lẽ. Chú Tư cùng con trai đem hồ sơ lên để nhờ chồng tôi xin việc. Nghe qua, tôi đã thấy mọi việc không ổn, vì quá hiểu tính chồng.
Chồng tôi thích "nổ" để tạo uy tín (Ảnh minh họa)
Tôi tìm cách từ chối nhận quà, rất áy náy khi tiếp tục nói dối chồng đi công tác chưa về, để chú khỏi đợi. Nhưng dù nói thế nào, chú vẫn kiên quyết để lại còn gửi hồ sơ để chồng tôi lo việc giúp. Tiễn hai cha con chú Tư mà lòng tôi nặng trĩu, chỉ vì tính thích "nổ" mà chồng tôi gieo hi vọng cho cha con chú.
Chồng tôi làm lái xe ở một cơ quan nhà nước. Do yêu cầu công việc nên anh lúc nào cũng quần là áo lượt, tiếp xúc với những người có chức quyền. Nhìn vẻ bề ngoài bảnh bao, nếu ai không biết đều tưởng anh cũng là lãnh đạo.
Mỗi lần về quê, anh đều mượn xe hơi sang để đi, giới thiệu tên cơ quan mà không nói cụ thể mình làm gì khiến họ hàng cứ nghĩ chồng tôi thành đạt, làm to. Chở sếp đi họp, anh tranh thủ chụp hình ké rồi đăng lên Facebook cùng những dòng trạng thái tỏ ra bận rộn khiến mọi người tưởng anh đang dự hội thảo hay chủ trì hội nghị.
Tôi không thích như thế, nhiều lần góp ý chồng đừng "sống ảo" kẻo người quen biết họ cười cho. Nhưng điều đó không khó chịu bằng việc anh hay đi hứa hão với bà con họ hàng để tỏ ra mình có uy tín.
Nhiều lần, tôi muối mặt vì hành động bốc đồng của chồng. Năm ngoái, về thăm dì bị ốm, nghe dượng than thở, con gái út tốt nghiệp sư phạm loại giỏi mà chưa có việc làm, anh cao hứng nói: "Sao dượng không nói với cháu, giờ cứ làm hồ sơ, muốn về trường nào là cháu xin ngay trường đó luôn".
Tôi ngồi bên không biết nói gì. Vì tôi là giáo viên, biết việc xin vào biên chế không hề dễ dàng, bản thân tôi dạy xa nhiều năm vẫn chưa xin về trường gần nhà được.
Chú dì mừng rỡ, gửi hồ sơ ngay để chồng tôi lo việc. Mấy tháng trôi qua, bộ hồ sơ của em vẫn nằm ở nhà tôi, không có động tĩnh gì. Tôi hỏi chồng, sao hứa mà không làm thì anh bảo: "Cứ từ từ, có phải nói là được ngay đâu".
Đáng buồn nhất, vì tin tưởng lời hứa của chồng tôi mà dì dượng không cho em đi thử việc ở trường tư trên thành phố vì đinh ninh sẽ xin dạy được ở trường gần nhà.
Gần một năm sau, dì tôi mất, em vẫn chưa có việc. Có lẽ, dượng cũng hiểu ra vấn đề nên mỗi lần gặp tôi đều trách khéo: "Dì không nhắm mắt được vì bé út chưa ổn định".
Chuyện nhà chú Tư lần này cũng vậy, chú là hàng xóm của anh trai chồng tôi. Tháng trước, chồng tôi về mừng nhà mới anh chị, chắc có gặp chú mới hứa hẹn. Con trai chú mới đi xuất khẩu lao động về nước, giờ muốn xin vào làm ở khu công nghiệp. Cha con chú Tư vừa đi khoảng nửa tiếng thì chồng tôi về.
Tôi đưa hồ sơ cho anh bảo: "Anh tính sao thì tính, không làm được thì đừng có hứa suông". Anh xuề xòa cười nói: "Anh đâu hứa chắc chắn, giờ nộp hồ sơ mà họ không nhận thì biết làm sao".
Tôi nhiều lần muối mặt vì hành động của chồng (Ảnh minh họa)
Tôi bực mình: "Nếu người ta biết đơn giản chỉ nộp hồ sơ thì chẳng cần nhờ đến anh rồi. Sao lúc anh hứa thì hay, đến khi người ta tìm đến nhà thì trốn không tiếp là sao". Anh vẫn tiếp tục: "Em buồn cười, anh có lấy tiền bạc gì đâu, không được thì thôi chứ, sao lại trách anh". Cứ như thế, vợ chồng tôi cãi nhau vì bất đồng quan điểm.
Chồng tôi cứ "nổ" cho vui mà không hề biết cảm giác của người khác khi đặt hi vọng vào mình, mà đâu phải ai xa lạ, toàn bà con, họ hàng, người quen.
Tối hôm trước, vợ chồng tôi đi dự sinh nhật cháu gái, trước mặt cả nhà, chồng tôi lại cao hứng hứa: "Sang năm sinh nhật Bi, chú Hải sẽ tặng một chiếc xe máy điện". Nghe thế, có đứa cháu bảo: "Chú phải tặng ngay mới tin, chứ chú Hải mà hứa đến khi Bi đến tuổi lấy chồng cũng chưa có đâu" làm mọi người bật người.
Lần đầu tiên, có người phản bác lại lời hứa hão, chồng tôi ngượng đỏ mặt, không biết nói gì. Anh em trong nhà đều hiểu tính chồng tôi và biết rõ tôi mới vay tiền mua xe đạp cho con gái đi học nên không ai nói gì thêm.