Ngày mới vào công ty, tôi may mắn được anh quan tâm giúp đỡ. Là một nhân viên tầm thường, nên tôi cảm thấy yên tâm xen với tự hào khi sếp ưu ái. Anh đối với tôi lúc nào cũng ân cần nhẹ nhàng, dành cho tôi nhiều lợi lộc be bé.
Không khó để đồng nghiệp nhìn ra sự chiếu cố của sếp dành cho lính mới. Một vài lời trêu đùa cạnh khóe xa gần khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa khó chịu. Tôi và anh có làm gì quá đáng đâu, để thiên hạ phải soi mói xầm xì như vậy nhỉ?
Mãi sau tôi mới hiểu ra rằng mình chẳng phải người phụ nữ đầu tiên được anh để mắt tới. Trước tôi, đã có vài cô gái lọt vào tầm ngắm của anh, một kẻ đã có vợ con ổn định, nhưng thích tỏ ra "thương hoa tiếc ngọc". Có người thuận nước đẩy thuyền, trở thành tâm phúc của sếp, cả trong công việc lẫn đời thường đâu đó. Đâu là đâu, thì hẳn là ai cũng ngầm hiểu. Tiếc là chẳng có mối nào bền lâu, lạ kỳ…
Tôi chủ động giãn ra, không giữ thái độ thân mật với sếp nữa. Cần lắm mới phải giáp mặt, thì tôi luôn chọn công việc làm chủ đề. Chuyện giữa tôi và sếp có lẽ chỉ người trong cuộc mới nhớ, rằng từng có một giai đoạn sếp săn đón ngọt nhạt với tôi.
Không nói thẳng ra, nhưng cả hai dều thừa biết, nếu tôi ngoan ngoãn vâng lời, chấp nhận làm "người của anh", thì có lẽ sẽ nhận được một ít quyền lợi này nọ. Nhưng tôi vốn không phải mẫu người thích lén lút vụng trộm, lại chẳng quá tha thiết với lương bổng thăng tiến này nọ. Chẳng do tốt lành gì, nhưng tôi vốn biết năng lực bản thân, tâm tính lại chỉ thích nấu ăn và dọn dẹp trong gia đình mà thôi.
Tôi không chấp nhận lời đề nghị khiếm nhã của sếp
Cơ quan tôi có quy định, lao động nữ phải sau hai năm vào công ty mới được sinh con. Thế nhưng, sau kết hôn, tôi bị vỡ kế hoạch, đành chấp nhận mình vi phạm. Hôm thông báo cho bộ phận nhân sự biết, vẫn nhận được lời chúc mừng và thông cảm của họ. Ngoài tiền lương căn bản ra, thì trong một năm dài tôi sẽ không nhận được khen thưởng, phúc lợi gì thêm nữa, kể cả các khoản hỗ trợ khi sinh nở. Đấy cũng coi như là thua thiệt, "trừng phạt" rồi.
Cũng phải thôi, luật nội bộ đã nêu rõ như vậy rồi, tôi không thắc mắc. Thế nhưng, điều khiến tôi kinh ngạc nhất chính là thái độ của sếp. Nhân viên nữ vừa có bầu, anh liền cay cú chửi bới ngay trong cuộc họp đông đảo.
Nào là "đừng để tôi nhìn thấy mặt con đó, trình ký hồ sơ thì kêu người khác vô đưa. Ngó thôi là mắc ói rồi!", "Công việc lu bu đã bực bội, thêm cái… con quỷ cái kia vô đây đã ký cam kết rồi mà vẫn vi phạm". Bao lời lẽ cay nghiệt khó nghe thậm chí mạt hạng rẻ tiền được anh thoải mái vung ra ngay giữa nơi công cộng. Bất kể xung quanh nghĩ gì, đánh giá gì.
Tôi từ bàng hoàng bất ngờ chuyển sang coi thường. Dần lấy làm nhẹ nhàng. Tưởng sao, hóa ra kiếm ăn không được thì ghét bỏ, muốn đạp đổ. Đàn ông, đã chơi thì chơi cho đẹp, chứ tán tỉnh không xong thì ngứa mắt khi thấy họ hạnh phúc, thì quá bèo.
Bầu bì là giai đoạn mệt mỏi của phụ nữ, chỉ cầu được an yên thoải mái, mọi buồn phiền cần gác qua một bên. Tôi tự hỏi, chân lý căn bản ấy, anh sếp có hiểu không nhỉ? Hay ngày xưa, lúc vợ anh có bầu, anh vẫn đang bận rộn đi săn ở bên ngoài, nên quên mất một người đàn ông cần cư xử như nào?
Gạ gẫm không được, sếp liền trở mặt...
Giật mình nghĩ lại, hóa ra mình vẫn còn may, bởi vì ngày ấy đã không tham lam mà "gật đầu". Bởi một người đàn ông tuy có vị trí xã hội nhưng tư cách thấp kém, dù ở cương vị lãnh đạo hay một nam giới chân chính cũng đều chẳng xứng.
Về lý, tôi sai, thì cứ theo cam kết mà xử lý. Nếu thấy còn nhẹ, không chấp nhận nổi thì anh sửa đổi quy định kia, rồi đuổi việc, cũng không ai dám ý kiến. Điều quan trọng nhất là phải khiến cho cấp dưới nể phục, anh cũng không làm được. Chẳng phải, một người hành xử văn minh sẽ không bao giờ mang vấn đề cá nhân ra để xúc xiểm theo cảm tính của mình đó sao? Nhất là, đấy lại là người phụ nữ mình từng thả thính đeo đẳng không xong, thì quả là đáng khinh…
Thôi thì cũng mừng là nhân dịp này mới biết rõ bộ mặt thật của một người đàn ông, vốn núp sau cái vẻ lịch lãm, thành đạt, rủng rỉnh tí tiền mà thấp kém tới khó tin.