Có một số mẹo rất đơn giản và hiệu quả để tiết kiệm điện điều hoà mà vẫn giữ không khí mát mẻ, dễ chịu trong mùa hè oi bức.
1. Tắt điều hoà vào ban đêm
Hãy bật điều hoà vào ban ngày và tắt vào ban đêm. Lý do rất đơn giản.
Thứ nhất, nhiệt độ ban đêm luôn thấp hơn. Bạn có thể tận dụng điều này bằng cách tắt điều hoà và mở cửa sổ. Nếu nhà có 2 cửa trước và sau thì bạn nên mở cả hai để gió thổi qua.
Thứ hai, để có một giấc ngủ thoải mái, cơ thể bạn không cần điều hoà phải chạy ở cùng mức nhiệt như ban ngày. Bạn cũng có thể tắt điều hoà trong khoảng thời gian 1-2 tiếng mà vẫn cảm thấy dễ chịu vì không gian phòng đã được làm mát từ trước đó.
Ảnh minh họa
Mức nhiệt cũng ảnh hưởng rất lớn tới điện năng tiêu thụ.
Vì thế, một trong những mẹo tiết kiệm điện là hãy để ở mức nhiệt vừa phải, đủ để giúp bạn cảm thấy dễ chịu, không bật quá lạnh, tránh làm điều hoà hoạt động quá sức.
Bạn không nên đặt điều hoà ở mức nhiệt thấp hơn 8 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Ngoài ra, bạn cũng nên hẹn giờ để hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ giúp bạn.
3. Tạo không gian râm mát
Bạn không thể làm Mặt Trời tắt nắng nhưng có thể tạo những khoảng không gian râm mát cho ngôi nhà.
Việc dễ nhất mà bạn có thể làm là kéo rèm cửa, kéo mái che hiên… giúp ngôi nhà râm mát hơn.
Với những cửa sổ hướng về phía Mặt Trời, bạn nên dùng rèm cửa sáng màu để giảm sức nóng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng cây cạnh các bức tường, cửa sổ, hiên nhà…
Những việc này giúp cho ngôi nhà giảm sức nóng, từ đó máy điều hoà sẽ được làm việc nhẹ nhàng hơn.
4. Tắt các thiết bị toả nhiệt
Tivi, máy tính, máy in, đèn, lò nướng… tất cả thiết bị điện trong gia đình đều tạo ra một lượng nhiệt lớn và buộc điều hoà phải làm việc nhiều hơn để kiểm soát nhiệt độ.
Ngoài ra, hãy chọn ăn những món mát mẻ, chế biến nhanh để bếp không tỏa ra nhiều nhiệt lượng vào mùa hè.
5. Vệ sinh điều hoà sạch sẽ
Hãy đảm bảo điều hoà được bảo dưỡng thường xuyên, bộ lọc được thay thế hoặc làm sạch để duy trì hiệu quả tối ưu.
Bộ lọc bẩn sẽ làm cho máy hoạt động khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc tốn nhiều điện hơn.
Lắp điều hòa inverter có tiết kiệm điện hơn?
Lắp điều hòa inverter có tiết kiệm điện hơn?. Tôi ở trọ trên tầng 6, phòng lợp mái tôn nên mùa hè rất nóng, một ngày bật máy lạnh loại 12.000 BTU (1,5 HP) 5 tiếng mà điện nhảy tới 13 số.
Tôi có nên chuyển sang dùng điều hòa inverter để tiết kiệm điện hơn không, chứ 4.000 đồng một số điện không gánh nổi.
Thanh Tùng (Hà Nội)
Giáo sư Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết điều hòa inverter tiết kiệm hơn điều hòa cơ, nhưng phải so sánh ở các điều kiện sau đây.
Hiệu suất năng lượng điều hòa inverter phải lớn hơn
Hiệu suất năng lượng là một thông số được nhà sản xuất trình bày trên nhãn năng lượng của các thiết bị. Dựa vào số "sao năng lượng" người dùng có thể dễ dàng so sánh được khả năng tiết kiệm điện giữa hai điều hòa. Trong trường hợp hai máy cùng số sao, máy nào có chỉ số hiệu suất năng lượng cao hơn sẽ có khả năng tiết kiệm điện hơn.
Thời gian hoạt động phải đủ lâu
Ngày nay điều hòa inverter rất phổ biến và được quảng cáo tiết kiệm điện từ 30% đến 50%. Lý do vì nó được trang bị thêm một bộ biến tần, điều chỉnh dòng điện, giúp giảm công suất khi nhiệt độ ổn định. Tuy nhiên, thường các sản phẩm có inverter chỉ tiết kiệm điện khi điều hòa bật liên tục trên 8 tiếng, kèm nhiều điều kiện như nhiệt độ ngoài trời và yêu cầu phòng cách nhiệt tốt.
Nhiệt độ ngoài trời phải thấp hơn 33 độ C
Nếu nhiệt độ ngoài trời lớn hơn, máy inverter sẽ tốn điện hơn máy cơ. Thông thường ở Việt Nam các gia đình chỉ bật điều hòa khi nhiệt độ cao hơn mức này, thời gian bật chỉ trong vài tháng mùa hè nên inverter không phải lý tưởng.
Yêu cầu phòng điều hòa phải kín và phải được cách nhiệt tốt
Phòng bạn trên tầng 6, mái tôn mà không cách nhiệt thì tải lạnh rất lớn, sẽ làm tăng tiêu thụ điện lên gấp rưỡi hoặc hai lần bình thường. Do đó phải làm trần giả, có cách nhiệt bằng xốp stiropor mới giảm được điện tiêu thụ. Cửa sổ cũng cần rèm che. Nếu có cơ cấu che nắng bên ngoài sẽ càng tốt. Cũng cần che nắng cho cả cụm dàn nóng nếu bị mặt trời chiếu vào. Tiền điện cũng sẽ giảm khi vệ sinh máy điều hòa.
Tóm lại, ở điều kiện của bạn không nên đổi sang máy inverter.
Kỹ sư điện lạnh Lê Thanh Tùng cho biết thêm, vì là công nghệ mới nên chi phí bảo trì, bảo dưỡng của điều hòa inverter cũng cao hơn điều hòa thường.
Mặc dù việc bảo trì của cả hai điều hòa là như nhau nhưng khách nạp nhiên liệu cho điều hòa inverter phải trả nhiều tiền hơn khách nạp cho điều hòa thường bởi loại gas sử dụng cho inverter có giá thành cao hơn.
Tắt điều hòa khi phòng đủ lạnh có tiết kiệm điện?
Gia đình tôi đang ở trọ, tiền điện là 4.000 đồng một số. Để tiết kiệm, tôi thường bật điều hòa đến khi đủ lạnh sẽ tắt đi. Tôi làm như vậy có đúng không?
Độc giả: Bình An
TS. Phạm Thế Vũ, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nhiệt, Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết máy điều hòa được chia làm hai loại: điều hòa không Inveter (không tiết kiệm điện) và điều hòa có Inveter.
Với máy điều hòa không Inveter
Khi nhiệt độ phòng đạt giá trị thấp hơn nhiệt độ thiết lập trên điều khiển 2-3 độ C, máy sẽ tự động tắt cục nóng và chỉ chạy quạt ở cục trong nhà. Lúc này chi phí điện năng là rất nhỏ (bằng quạt gió thông thường).
Khi nhiệt độ trong phòng tăng cao hơn nhiệt độ cài đặt trên điều khiển 2-3 độ C, máy điều hòa sẽ tự động chạy cục nóng bên ngoài. Chi phí điện năng bằng công suất của máy điều hòa (máy 9.000 BTU/h ~ 0,75 kWh).
Với máy điều hòa Inveter
Máy sẽ vẫn hoạt động, nhưng tự điều chỉnh năng suất lạnh sao cho duy trì nhiệt độ phòng ở giá trị nhiệt độ đặt trên điều khiển, điện năng tiêu thụ là nhỏ nhất.
Như vậy việc tắt điều hòa khi nhiệt độ phòng đạt yêu cầu không phải là giải pháp tối ưu. Thay vào đó, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức phù hợp (25-27 độ C); hạn chế thất thoát nhiệt từ trong phòng ra bên ngoài; hạn chế các nguồn nhiệt phát sinh trong phòng (đèn, bếp...).
Khi đó, chi phí năng lượng cho máy điều hòa sẽ giảm đáng kể.