Canh chua cá linh nấu cùng bông điên điển
Mấy ngày nghỉ lễ, tôi tranh thủ về quê. Sáng sớm, tôi cùng chị Tư ra chợ. Ngang qua hàng cá, tôi bất ngờ khi thấy thau cá linh còn nhảy xoi xói, được chị bán cá đon đả mời chào. Tôi hỏi chị bán cá tháng này đâu phải mùa lũ mà lại có cá linh, chị cười tươi rói: “Bây giờ cá linh có quanh năm chị ơi! Tuy cá không béo, mềm như mùa nước nổi nhưng vẫn ngon, chị mua về nấu canh chua cùng bông điên điển thì số dách”. Rồi chị chỉ sang mớ bông điên điển được bày bán kèm, bảo tôi: “Ngay cả bông điên điển giờ cũng có quanh năm chứ không phải đợi mùa lũ mới được ăn như ngày xưa”. Nghe chị bán cá nhắc đến món canh chua cá linh nấu cùng bông điên điển làm tôi muốn chết thèm vì lâu rồi tôi không được thưởng thức món ăn này.
Bông điên điển
Tôi mua ngay mớ cá linh và bông điên điển. Mấy đứa cháu thấy tôi đi chợ về, chúng liền phụ móc hầu cá, lặt bông điên điển. Tôi chia cá linh ra làm 2 phần, một phần nấu canh chua, phần còn lại để kho tiêu. Tôi giao chị Tư phụ trách món cá kho tiêu, còn tôi đảm nhận món canh chua cá linh bông điên điển. Tôi ra vườn hái một ít rau ngò om, ngò gai, húng quế cùng mấy trái ớt... làm rau nêm cho món canh chua. Me cũng được tôi ngâm trong nước nóng, vớt bỏ xác...
Tôi bắc nồi nước lên trên bếp, khi nước sôi mới cho nước me vào, nêm nếm gia vị sao cho nước dùng vừa đủ độ mặn, ngọt, chua, cay. Khi nước sôi lại lần nữa, tôi mới trút cá linh vào nồi, nấu đến khi cá vừa chín tới, nêm nếm lại lần nữa, tiếp tục cho bông điên điển vào và tắt bếp. Tôi múc canh ra tô, nêm thêm rau, ớt cho tô canh dậy mùi thơm. Còn bếp bên kia, chị tôi cũng đã hoàn thành món cá linh kho tiêu thơm lừng.
Canh chua cá linh, món ăn dân dã quê nhà
Tôi dọn cơm mời cả vào ăn. Gắp từng con cá linh tươi ngon, chấm vào chén nước mắm ớt cay xè tôi đưa vào miệng nhai. Cái cảm giác nhai nguyên con cá trong đó có cả phần xương mới cảm nhận hết vị ngọt, béo từ thịt cá. Tuy cá linh trái mùa xương cứng, thịt không béo như lúc chính vụ nhưng với tôi đã là ngon lắm rồi, nhất là trong mấy ngày lễ tiệc tùng liên miên. Chỉ một loáng, tô canh chua cùng mớ cá linh kho tiêu đã hết sạch, ngay cả nồi cơm cũng không còn hạt nào. Thấy tôi ăn chưa đã, vẻ mặt còn thèm thuồng, chị Tư chọc: “Làm như hồi nào đến giờ không được ăn vậy. Thôi đi cô, để chiều tôi mua cá, cho vào thùng đá để cô mang về thành phố mà ăn. Chứ nhìn mặt cô, tui thấy thương gì đâu!”. Tôi khoái chí, đồng ý cả hai tay vì chỉ có chị mới hiểu tôi nhất.