Bác sĩ Hoàng Văn Tân, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, những tai nạn do chó cắn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt với các em nhỏ nếu không được cách ly hoặc tiếp xúc không đúng cách, kể cả khi gia đình nuôi chó trong nhà.
Theo bác sĩ Tân, khi bị chó cắn, cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút. Tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương.
Có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Khi nạn nhân bị mất máu quá nhiều, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.
Chia sẻ của bác sĩ Hoàng Văn Tân
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn, không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm văcxin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm văcxin dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại.
"Không có bất kỳ chống chỉ định nào về điều trị phòng bệnh dại. Phụ nữ có thai vẫn phải tiêm văcxin hoặc huyết thanh kháng dại", bác sĩ Tân cho biết.
Đến nay, cả y học hiện đại cũng như y học cổ truyền đều khẳng định không chữa được bệnh dại khi đã lên cơn. Tử vong do bệnh dại hầu như không tránh khỏi. Biện pháp duy nhất để cứu giúp người bệnh là điều trị bằng văcxin và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị động vật mắc bệnh dại cắn.
“Không được chữa bệnh dại bằng thuốc nam, thuốc đông y, kể cả thuốc tân dược để tránh những chết oan uổng do thiếu hiểu biết”, bác sĩ cho biết.
Bác sĩ khuyên, đối với những gia đình đang nuôi chó mèo, cần thực hiện tốt 3 việc sau đây:
- Tiêm văcxin phòng bệnh dại cho chó mèo đang nuôi.
- Chó mèo nuôi phải đăng ký, chó nuôi phải xích, ra ngoài phải có rọ mõm để không cắn người.
- Người bị chó mèo cắn phải rửa ngay vết thương và đi khám, tiêm văcxin phòng dại càng sớm càng tốt.