Măng tuy ngon nhưng lại chứa nhiều glucid. Chất này khi kết hợp với vị chua trong dạ dày sẽ tạo ra một loại axit cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể. Thế nhưng, chị em nội trờ đừng quá lo lắng vì độc chất trong măng sẽ bay hơi dễ dàng khi được nấu sôi.
Cách loại bỏ độc tố trong măng tươi
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng măng tươi, có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:
- Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.
- Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo thường xuyên, 2 lần/ngày). Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng đã được loại bỏ, lúc đó mới đem chế biến món ăn.
- Bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.
- Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi, cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch, măng sẽ không còn vị đắng và có thể đem chế biến món ăn.
Lưu ý: Trong quá trình luộc măng, khi nồi măng sôi cần mở vung/nắp nồi để chất độc có trong măng sẽ thoát ra ngoài và những măng tre có màu trắng/vàng bất thường hoặc có mùi lạ (dấu hiệu của mùi lạ hoặc măng đã được ngâm hóa chất) thì nên loại bỏ và không nên sử dụng.
Những người không nên ăn măng
Măng tươi chứa rất nhiều protein, chất béo, đường, carotin, các vitamin B, C và canxi, photpho, chất xơ. Tuy nhiên món ăn này không phải thích hợp cho tất cả mọi người. Các nhà khoa học khuyến cáo trẻ em và những người đang mắc một số bệnh sau cần cẩn trọng hoặc tránh dùng măng.
Sỏi thận
Măng chứa nhiều axit oxalic có thể dễ dàng kết hợp với canxi trong cơ thể tạo thành axit oxalic canxi dẫn đến sỏi thận đường tiết niệu. Do vậy người bị bệnh sỏi thận không nên ăn nhiều măng tươi.
Viêm loét dạ dày, tá tràng
Măng tươi giàu chất xơ. Theo Đông y, loại thực phẩm này có tính hàn, khó tiêu hóa nên những người mắc bệnh loét dạ dày và tráng tràng, viêm dạ dày, xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, không nên ăn nhiều để tránh làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Người bị đau dạ dày
Bệnh đau dạ dày thường chuyển thành mãn tính, hay tái đi tái lại và ít người kiên trì chữa trị hết hẳn. Người bệnh đau dạ dày cần kiêng cữ khá nhiều trong việc ăn uống ngay cả sau khi đã chữa trị, để giúp dạ dày có thể hoạt động tốt trở lại và hạn chế sự tái phát. Không ăn măng vì nó có chứa một hàm lượng acid cyanhydric (khoảng 230 mg trong một kg măng củ) là chất độc hại cho dạ dày.
Người bị bệnh gút
Khi bị bệnh gút, bạn cần phải cẩn trọng với chế độ ăn vì có thể làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh gout trở nên trầm trọng hơn. Các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như: măng tre, măng trúc, măng tây sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể, vì thế bệnh nhân gút cần tránh.