Đặc biệt, hiện nay món bánh tráng nướng này không chỉ nổi danh ở Việt Nam mà ngay cả nước ngoài hoặc các du khách nước ngoài khi đến đây đều rất yêu thích món bánh ngon lạ miệng này.
Bằng chứng điển hình nhất là đoạn clip giới thiệu về món bánh tráng nướng Đà Lạt đã được đài EBS Hàn Quốc ghi hình lại với các dòng khen ngợi không ngớt lời.
Đặc sản bánh tráng nướng Đà Lạt không chỉ nổi danh trong nước mà còn xuất hiện trên sóng truyền hình nước ngoài
Mở đầu đoạn clip, người dẫn chương trình đã giới thiệu về chợ đêm Đà Lạt mà bảo đảm bất cứ ai được sinh ra ở vùng đất cao nguyên này đều cảm thấy tự hào quá đỗi: "Đây là chợ đêm lớn nhất ở vùng cao nguyên miền Trung. Khi đến đây, bạn có thể trải nghiệm hầu hết tất cả các món ăn nổi tiếng của Việt Nam. Đối với các du khách thì nơi đây có thể xem là vùng đất thiên đường".
Và một trong những món ăn được chú ý nhất trong buổi ghi hình ngày hôm đó không hẳn là món cao sơn mỹ vị gì mà đây có thể xem là đặc sản đường phố rất nổi tiếng của Đà Lạt. Món ngon được chương trình giới thiệu trong đoạn clip đó chính là bánh tráng nướng bạn nhé. Mặc dù hiện tại món bánh tráng nướng này đã xuất hiện ở rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, tuy nhiên nếu truy về nguồn gốc xuất xứ thì chính cao nguyên Đà Lạt là nơi đã sản sinh ra món ăn đặc biệt này.
Nguyên liệu góp phần làm nên món ăn mặc dù đơn giản, dễ tìm nhưng lại rất đa dạng thành phần và hương vị. Đầu tiên, chiếc bánh tráng sẽ được phết chút mỡ hành phi vàng thơm. Sau đó bánh sẽ được cho lên vỉ than nướng giòn nóng. Trong quá trình nướng, người bán sẽ cho thêm hành lá xanh cùng trứng đập vỡ rồi trộn đều tất cả lên và trải đều khắp mặt chiếc bánh tráng.
Đặc sản bánh tráng nướng Đà Lạt không chỉ nổi danh trong nước mà còn xuất hiện trên sóng truyền hình nước ngoài (1)
Khi phần trứng và hành đã bắt đầu chín thơm thì người bán tiếp tục cho các nguyên liệu khác lên bánh. Các nguyên liệu này thông thường bao gồm xúc xích cắt nhỏ, chà bông, ruốc khô, gà xé, thịt băm... không chỉ khiến cho bề mặt bánh đầy màu sắc hấp dẫn mà còn giúp hương vị bánh tăng lên rất nhiều lần.
Chưa dừng lại ở đó, món bánh tráng nướng này còn được cho thêm phô mai, tương ớt lên bề mặt để tạo độ béo thơm và độ cay nồng khó cưỡng. Bánh sau khi đã nướng chín sẽ được người bán khéo léo cuốn tròn lại như một chiếc bánh ống tròn dài rồi cho vào một bìa giấy nhỏ để khách cầm không bị bỏng tay.
Khi cầm chiếc bánh tráng nướng vừa mới ra lò bốc hơi nóng hổi thì có lẽ ai cũng cảm nhận được ngay đây là món bánh rất phù hợp với khí hậu lạnh lẽo của Đà Lạt. Bánh tráng nướng không chỉ nóng ấm mà còn giòn rụm kèm hương vị thơm ngon nên đúng là món ăn đường phố cực dễ thu hút lòng người qua lại.
Hiện nay, món bánh tráng nướng này mặc dù đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trải nghiệm đúng hương vị ban đầu của bánh cũng như phù hợp với không khí se lạnh để trở nên ngon vị hơn thì còn chờ gì nữa mà không bay đến Đà Lạt ngay để vừa thưởng ngoạn chợ đêm náo nhiệt, vừa trải nghiệm các món ẩm thực đường phố hấp dẫn nơi đây. Và một trong số đó là món bánh tráng nướng giòn ngon mà bất cứ ai cũng đừng quên bỏ qua bạn nhé.
Đặc sản bánh tráng nướng Đà Lạt không chỉ nổi danh trong nước mà còn xuất hiện trên sóng truyền hình nước ngoài (2)
Nghe mùi bánh tráng mắm ruốc bồi hồi nhớ quê
Gần khu chung cư tôi sống ở quận 12 (TP HCM) là một khu chợ, buổi chiều tối bán rất nhiều đồ ăn vặt, trong đó có các xe bánh tráng nướng thơm lừng.
Đa số các xe này bán bánh tráng nướng kiểu Đà Lạt, loại này nổi tiếng hấp dẫn nhờ mùi bơ béo thơm, với phần nhân đầy ụ nào trứng, mỡ hành, thịt bằm, đôi khi có thêm bắp, xúc xích… tùy thích.
Rồi bỗng một ngày tôi tình cờ phát hiện lẫn giữa các xe bánh tráng nướng Đà Lạt thơm bơ ấy, có một mùi hương rất lạ mà cũng vô cùng quen: mùi mắm ruốc.
Chính xác hơn là mùi bánh tráng mắm ruốc nướng, món ăn vặt đường phố khá nổi tiếng ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận...
Chị gái bán bánh tráng trên một chiếc xe đẩy nhỏ nom hơi đơn sơ, đồ nghề vỏn vẹn một chiếc lò than để nướng bánh, xấp bánh tráng mè, hũ mắm ruốc, hộp bắp cải xắt sợi, mớ xiên thịt nướng làm nhân…
Bình thường chị bán hết buổi chiều là dọn, nên những lúc tối nổi hứng thèm ăn hàng tôi không phát hiện ra chị là vậy.
Tấp xe vào, tôi gọi một cái bánh tráng mắm ruốc nướng đầy đủ, có giá 15.000 đồng.
Chị bán hàng nhanh tay rút xấp bánh tráng, loại bánh tráng mè mà tôi bảo đảm người Bình Thuận nhìn phát là biết hương vị quê hương ngay.
Tiếp đó chị múc muỗng mắm ruốc cho lên giữa bánh, thêm miếng tóp mỡ, rồi đặt miếng bánh tráng tròn lên bếp than, nhanh tay tán đều hỗn hợp trên bề mặt bánh.
Mùi mắm ruốc nướng cùng bánh tráng mè thơm khó tả.
Mắm ruốc dùng trong món này là loại mắm đã được làm chín và pha gia vị tỏi, ớt, đường… cho vừa ăn, tạo nên một hỗn hợp mặn, ngọt, cay với hương vị không lẫn vào đâu được.
Đoạn, chị bán hàng lại cho thêm cái trứng cút, đánh tan đều ra, sau nữa là rắc lên một lớp bắp cải, rồi các loại tương.
Đứng đợi bánh tôi tranh thủ tám chuyện, không bất ngờ khi biết chị là đồng hương Bình Thuận với mình.
"Ở đây khó kiếm bánh tráng mè này lắm", tôi nói.
"Đúng rồi, mắm với bánh là chị mang từ quê vô đó", chị trả lời, tay vẫn xoay bánh trên bếp cho chín đều.
Nướng đến khi bánh tráng bắt đầu chín giòn, chị cho xiên thịt nướng vào giữa rồi nhanh tay cuộn tròn lại đưa cho tôi.
Tôi ra chiều hiểu biết "bánh tráng mắm ruốc Bình Thuận đâu có thịt nướng, người ta ăn nem chua, chả lụa chứ ai ăn thịt nướng đâu chị?".
"Nem chua khó mang vào quá, bán không kịp là bị chua quá không ngon nên chị thay bằng thịt nướng", chị cười đáp.
Nói thế thôi, chứ cái cốt lõi của món bánh tráng mắm ruốc này chỉ cần có mắm ruốc và bánh tráng, mà phải là bánh tráng mè mới đúng bài.
Lúc còn nhỏ, bánh tráng mắm ruốc là thức quà vặt mà bọn trẻ con ở quê chúng tôi mê tít, được ba mẹ cho vài trăm đồng là đã có thể tót sang hàng tạp hóa trong xóm mua một miếng bánh tráng mắm ruốc mà ăn.
Kiểu ăn bánh tráng mắm ruốc ngày ấy cũng đơn sơ, chỉ là miếng bánh tráng mè nướng giòn hình tam giác, dì bán hàng dích thêm một muỗng mắm ruốc cho lên ngay giữa miếng bánh, rồi đám trẻ con cứ thế bẻ nhỏ miếng bánh tráng, quết mắm ruốc nhai rôm rốp ngon lành.
Ngoài ra, còn có "phiên bản" bánh tráng dẻo phết mắm ruốc, thêm nhân là trứng luộc và vụn bánh tráng nướng rồi cuộn tròn lại.
Sau này, món bánh tráng mắm ruốc cũng "lên đời" với muôn hình vạn trạng, đủ đầy những loại nhân "sang trọng" hơn.
Người ta ăn kèm với đủ món ăn chơi, nào da heo, nem chua, chả lụa, đồ chua, xoài sống, dưa leo, các loại rau…
Đi khắp xứ Phan Thiết, Bình Thuận, không khó để tìm được một hàng bánh tráng mắm ruốc.
Có hàng bán mỗi một món bánh tráng nướng, có chỗ bán cuộn, có nơi lại bán rời các loại nhân cho khách tự quết, tự cuốn mà ăn.
Có thể nói, không có kiểu ăn nhất định nào cho món bánh tráng mắm ruốc, nướng, cuốn, chấm… sao cũng được, chỉ cần có bánh tráng và mắm ruốc là được.
Món ăn này cũng có thể dễ dàng làm tại nhà. Du khách đến bất kỳ khu chợ nào ở Bình Thuận cũng sẽ dễ dàng mua được hũ mắm ruốc pha sẵn, thêm xấp bánh tráng mè sống hoặc nướng là đã có thể về thưởng thức ngay.
Ai siêng thì có thể pha thêm chanh, ớt, đường cho vừa khẩu vị của mình, siêng nữa thì luộc thêm miếng da heo cắt nhỏ, mấy cục tóp mỡ, thêm cái trứng luộc là tha hồ biến tấu món bánh tráng mắm ruốc của riêng mình.
Giờ đây, bánh tráng mắm ruốc không chỉ trở thành một món ăn vặt được nhiều bạn trẻ kháo nhau trên mạng xã hội là nhất định phải thử khi đi du lịch Bình Thuận, mà còn có mặt ở nhiều ngóc ngách Sài Gòn, để thỉnh thoảng cái mùi hương thân quen ấy lại lan tỏa ngào ngạt trong ký ức của những người con xa quê.