Canh chua bông điên điển
Mùa tựu trường cũng là mùa nước nổi mùa bông điển điển, mỗi năm đến dịp này nghe bạn bè rủ nhau kéo về miền Tây thưởng thức đặc sản mùa nước nổi, khiến tôi nhớ đến đứa bạn cùng phòng trọ thời phổ thông. Năm bước vào lớp 10, tôi và bạn ấy là hai "tân binh" lần đầu tiên sống xa nhà, ở cùng nhà trọ và góp gạo thổi cơm chung tự lo bữa ăn cho mình.
Bạn tôi kể, vào mùa nước nổi ở quê bạn dọc theo các đầm ao, bờ ranh đất trống cây điên điển ra bông rất sai, người dân chống xuồng tới những nơi đây hái những chùm bông vàng rực rỡ để chế biến món ăn. Mà mùa nước nổi, sông nước miền Tây đầy ắp đặc sản cá tôm từ thượng nguồn đổ về. Chúng kết hợp với những bông điên điển là loại rau giàu dinh dưỡng hương vị thơm, giòn, rất ấn tượng cho ra những món ăn cực kỳ ngon, giúp người dân nghèo ở vùng lũ quê hương bạn cải thiện bữa ăn gia đình và tăng thêm thu nhập…
Bông điên điển
Cứ mỗi đầu tuần ba của bạn ở quê, bơi xuồng ra thị trấn chi viện lủ khủ thức ăn cho bạn dùng cả tuần: Nào là bông điển điển, rồi cá rô, cá lóc, cá linh, tép, trứng vịt đồng… Và cứ thế từ những nguyên liệu đó mà bạn linh hoạt thay đổi món ăn. Tôi rất lấy làm lạ chỉ một loại rau chủ đạo là bông điên điển mà bữa ăn của bạn rất phong phú, mỗi ngày là một món ăn mới ngon miệng mà không hề ngán: Bông điên điển xào tép; bông điên điển luộc chấm cá rô chiên dầm nước mắm chua ngọt, chấm nước cá kho; bông điên điển nấu canh chua; có khi là bông điên điển chiên trứng; bông điên điển trộn gỏi… Trong số các món ăn từ bông điên điển của bạn, tôi thích nhất là món canh chua bông điên điển nấu với tép. Bởi, nó thanh mát, vị chua dịu, vị ngọt từ con tép tươi, kết hợp với vị thơm ngọt của bông điên điển, hấp dẫn vô cùng khi ăn với cơm.
Tép nấu canh chua
Món này bạn chế biến rất nhanh và chân phương lắm. Đầu tiên con tép làm sạch sẽ, để ráo nước ướp với chút muối, đường, bột ngọt cho thấm gia vị. Bông điên điển bạn tuốt bỏ cành cứng, rửa thật sạch, để ráo nước.
Bắc nồi nước lên bếp cho một vắt me chín vào đun sôi, khi me mềm thì vớt ra tô, dằm bỏ hột lấy phần nước cốt me, đổ phần nước me này trở lại nồi nước sôi, trút tép đã ướp vào. Khi nước sôi bùng trở lại tép chín thì cho thêm đường, muối vào nêm sao cho canh có vị chua ngọt hài hòa. Cuối cùng thả bông điên điển vào rồi tắt bếp ngay, múc canh ra tô rắc ngò gai cắt nhỏ và vài lát ớt lên trên.
Canh chua bông điên điển
Buổi trưa đi học về, tôi lui cui xúc gạo đem vo để nấu cơm, cơm vừa chín tới thì nồi canh chua bông điên điển nấu với tép của bạn đã hoàn thành tỏa mùi thơm nức mũi, khiến đứa nào cũng thấy cồn cào vì đói. Dọn ra mạnh ai nấy lùa cơm, vèo một cái cơm canh hết sạch, hai đưa đều than căng bụng vì đã ăn quá nhiều.
Lại một mùa bông điên điển nữa chúng mình xa nhau, tôi nhớ bạn…