Những biến chứng nguy hiểm của viêm họng
Viêm họng thường là do virut (cúm, sởi, Adenovirus...) và vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Hemophillus influenzae...). Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes). Đây là thủ phạm gây nên biến chứng viêm họng dẫn đến viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp là những bệnh khá nguy hiểm hoặc viêm họng cấp do nấm (Candida).
Trong đó, nguy hiểm hơn cả chính là liên cầu khuẩn tán huyết Beta nhóm A Streptococcus – thủ phạm số một gây nên viêm họng cấp dẫn đến các biến chứng, đặc biệt là với những trẻ từ 5-15 tuổi. Một khi đã xâm nhập vào niêm mạc họng, phần kháng nguyên của vi khuẩn lưu hành trong máu, đến lắng đọng ở cầu thận, van tim, màng khớp và gây biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan này như viêm cầu thận, viêm cơ tim...
Ảnh minh họa
Biến chứng viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm lan tỏa không nung mủ ở tất cả các cầu thận của hai thận. Bệnh diễn biến cấp tính với biểu hiện: phù, tăng huyết áp, tiểu ra máu và protein niệu. Các triệu chứng của trường hợp này diễn ra điển hình, rầm rộ nên có thể dễ dàng phát hiện sớm và khắc phục hoàn toàn sau 6 tuần điều trị.
Biến chứng thấp khớp cấp là tình trạng viêm cấp tính các khớp lớn xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn. Các khớp bị viêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau. Thường hay bị ở khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay. Tình trạng viêm có hiện tượng di chuyển từ khớp này đến khớp tiếp theo, sau khi di chuyển tới khớp mới, tình trạng viêm tại khớp cũ sẽ không còn. Biến chứng này nếu không được điều trị sẽ gây hỏng màng khớp và ảnh hưởng tới chức năng vận động sau này.
Biến chứng thấp tim là tình trạng viêm tim có thể xảy ra ở màng trong tim, cơ tim, màng ngoài tim hoặc viêm tim toàn bộ. Đây là biến chứng để lại hậu quả nặng nề nhất vì nó gây tổn thương van tim, màng ngoài tim. Nó là tiền đề cho hàng loạt các bệnh tim mạch về sau như: hẹp van tim, hở van tim, viêm màng trong tim… gây nguy hiểm cho tính mạng. Biến chứng tại chỗ bao gồm việc gây áp-xe hoặc viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amiđan, ở trẻ nhỏ có thể gây áp-xe thành họng.
Biến chứng gần có thể gây ra viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa. Ngoài ra, viêm họng còn lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản hoặc viêm cả khí quản, phế quản hoặc viêm phổi.
Đừng để viêm họng trở nặng
Hầu hết các trường hợp viêm họng là do nhiễm vi rút hoặc nhiễm vi khuẩn, trong đó hơn 80% là do vi rút gây ra. Nhiều người lầm tưởng rằng, viêm họng là bệnh không lây. Song trên thực tế, nó là bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu ai đó xung quanh bạn đang bị viêm họng thì cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với họ và rửa tay thường xuyên.
Nếu bị viêm họng, bạn cũng nên rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế sự lây lan của vi khuẩn khi bạn dùng tay che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Để phòng ngừa viêm họng cấp, chúng ta cần vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên và hàng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn và trước, sau khi ngủ dậy làm sao tạo thành một thói quen, nhất là đối với trẻ em.
Nên tắm bằng nước ấm nhất là với những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Khi tắm xong cần lau người khô trước khi mặc quần áo sạch bất kể là mùa nào. Cũng không nên ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa lạnh sau khi tắm xong.