Người ta vẫn hay nói nếu chưa đến thác Kèm chưa phải đến Con Cuông, đến thác Kèm chưa thưởng thức cơm nếp lam sau khi tắm thác thì quả là điều đáng tiếc.
Để làm được một mẻ cơm lam ngon được người ăn tấm tắc rất kỳ công. Người Thái Con Cuông cũng phải có những bí quyết riêng để du khách đến ngắm thác Khe Kèm, thưởng thức cơm lam mãi nhớ.
Trước tiên nếp thơm phải được đãi sạch cho vào chậu nhôm ngâm một buổi cho nở ra. Khi ngâm có cùi dừa thái sợi chỉ, ngâm nước cốt dừa cho nếp thấm, đổ ra thúng cho ráo nước. Ống để lam nướng được chặt từ cây nứa non trong rừng, về chặt từng lóng một, nếu chặt ống già khi nướng lửa sẽ bị vỡ.
Gạo nếp trộn với dừa thái nhỏ. Ảnh: Tường Vi
Đến khâu đong gạo cũng phải thật khéo léo, đong gạo nếp đã ngâm vào khoảng một phần hai ống, cho một nhúm muối nhỏ vào, rót nước đẩy hai phần ba ống. Có một số vùng bà con dùng lá chuối rừng non, cuộn tròn cho vào lót thành ống nứa.
Sau đó dùng lá chuối nút đầu ống và lam ống nứa non trên than hồng, không hơ trực tiếp vào lửa, có thể cháy ống nứa mà cơm chín không đều. Xoay trở ống nứa cho nóng đều, sém dần, khi nước trong ống nứa sôi cạn tỏa mùi thơm phức, ống nứa sém đều là cơm đã chín.
Nếp đong khoảng 1/2 ống nứa, sau đó đổ nước trước khi đem nướng. Ảnh: Tường Vi
Lam cơm không được lam trực tiếp trên bếp lửa. Những ống cơm được đặt cạnh bếp lửa đỏ cho chín dần, xoay đều, phải mất đến 1 tiếng rưỡi đồng hồ mới chín một mẻ cơm thế này. Ảnh: Tường Vi
Ống cơm lam sau khi hơ cạnh bếp lửa sau đó mới hong nướng trên than củi cho khô hẳn. Ảnh: Tường Vi
Đưa ống cơm lam ra chờ cho giảm độ nóng, mở nút lá chuối, lấy dao khứa miệng ống ra thành từng thanh nhỏ khoảng 1cm. Dùng dao chẻ bóc lớp vỏ tinh (cật) ở bên ngoài để lại lớp vỏ giấy.
Khi khách thưởng thức cơm lam chỉ cần dùng tay bốc lớp vỏ giấy như bóc chuối, những thỏi cơm lam thơm nồng, mùi thơm của ống nứa non, lá chuối rừng non, nước khe Kèm chấm với muối vừng lạc tạo thành mùi vị đặc trưng ăn dẻo và ngon miệng.
Nếu bạn muốn ăn cơm nếp lam sém và nóng thì chỉ cần lam lại ống khi đã được bóc hết lớp vỏ tinh, lớp vỏ giấy tuy sém nhưng vẫn "an toàn" vì bên trong còn lớp vỏ chuối rừng bao bọc.
Cơm nếp lam ăn với cá mát nướng thì được ví như "gái giòn gặp được trai tân" vậy. Riêng tại thác Kèm thì khách thường thưởng thức cơm lam cùng với gà nướng, nộm hoa chuối rừng. Mỗi ống cơm như vậy có giá 20.000 đồng.
Du khách đến tắm thác Kèm và thưởng thức cơm lam. Ảnh: Tường Vi
Vào ngày hè, nhiều trẻ em cũng đã tranh thủ học cách làm cơm nếp lam từ bố mẹ vì đây không chỉ là món ẩm thực của người Thái mà còn là cách để các em giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập vào mùa du lịch.
Nhạc sỹ Lê Hoàng - hội viên Hội VHNT dân tộc thiểu số Việt Nam cho biết: Nguồn gốc của cơm lam do ngày xưa ông bà chúng ta thường phải đi nương đi rẫy cả ngày, để không phải mang theo nồi niêu xoong chảo lỉnh kỉnh, mà chỉ mang theo túi gạo nếp đã ngâm sẵn để ráo, khi lên rẫy lao động xong, mọi người lam cơm bằng ống nứa nong trên rừng, thế là có bữa ăn ngon. Cơm lam dẻo ngon là chất bổ dinh dưỡng giành cho phụ nữ sau khi sinh để có nhiều sữa cho em bé, khi khách quý đến nhà người Thái cũng mang cơm lam ra để đãi khách. |